4:13 AM , 29

Trang nhất » Làm Kinh Tế » 2012 » Tháng mười » 16

Người trồng dừa giỏi nhất xứ dừa

10:39 AM, 2012-10-16

Liên tục các đoàn khách trong và ngoài tỉnh tìm tới đây để thăm thú vườn dừa với hàng chục giống khác nhau, hầu hết đều có giá trị kinh tế, mà ông đang có trong vườn nhà. Và quan trọng hơn là họ muốn được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với ông Thưởng - người trồng dừa duy nhất ở Việt Nam đã được nhận giải thưởng quốc tế.

Ông Thưởng trong vườn dừa

Khi chúng tôi tìm tới nhà ông Thưởng, đã thấy một nhóm khách từ Khánh Hòa đang chuẩn bị ra về cùng với vài trái dừa giống lấy từ trong vườn nhà ông. Ngay lúc đó, một đoàn khách nông dân từ Sóc Trăng cũng vừa đến. Ông Thưởng lại tất bật dẫn đoàn khách này ra xem vườn dừa. Vừa đi, ông vừa quay lại, tranh thủ chụp hình đoàn khách bằng cái máy ảnh kỹ thuật số nhỏ gọn. Xem ra, ông đã quá quen và khác chuyên nghiệp với việc tiếp đón khách tham quan.

Khu vườn dừa rộng 2,5 ha của ông Thưởng, chỉ nhìn qua, đã thấy thích mắt, vì gồm rất nhiều giống dừa khác nhau. Về dừa lấy dầu có các giống như dừa ta xanh, dừa ta vàng, dừa ta đỏ, dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa dâu đỏ... Dừa uống nước có nhiều giống hơn như dừa da xanh, dừa da đỏ, dừa núm xanh, dừa núm đỏ, dừa ẻo xanh, dừa ẻo đỏ, dừa sáp, dừa dứa... Ông nói, để có được bộ "sưu tập” các giống dừa này, trong suốt hơn 10 năm qua, hễ cứ nghe thấy ở đâu có giống dừa lạ, giống dừa mà mình chưa có, là ông tìm đến, mang về trồng trong vườn mình. Ông làm việc này không phải để chơi, mà với mục đích rõ ràng để thử nghiệm xem những giống dừa nào đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất trên đất vườn ở xã nhà.

Nhà ông Thưởng vốn đã có truyền thống trồng dừa từ đời ông cố nội. Truyền tới đời ông đã trên dưới 100 năm. Tuy nhiên, suốt gần 100 năm qua, cũng như hầu hết những hộ trồng dừa khác, dòng họ này chỉ biết trồng dừa theo kiểu truyền thống như ít chăm bón, để cây già cỗi lâu năm trong vườn... Hơn 10 năm trước, các hộ trong vùng chặt bỏ dừa khá nhiều để chuyển sang trồng cây khác vì giá dừa quá thấp. Riêng ông Thưởng vẫn quyết tâm giữ nghề trồng dừa, vì cho rằng, bây giờ tuy giá dừa đang xuống, nhưng rồi nó sẽ lên lại. Với suy nghĩ ấy, ông quyết định bắt tay vào cải tạo vườn dừa đã quá già cỗi, mà phần lớn số cây đã tới 80-90 năm tuổi.

Ông Thưởng trao đổi với khách tham quan về kinh nghiệm trồng dừa

Do không sẵn vốn và dừa giống nên ông làm theo cách có giống tới đâu thì đốn bỏ cây cũ và trồng cây mới tới đó. Bởi thế, trong khi vườn dừa của các hộ khác trong vùng bị thu hẹp dần lại khá nhiều, thì vườn dừa của ông Thưởng vẫn được giữ nguyên trên diện tích 2,5 ha, và ông nghiễm nhiên trở thành người trồng dừa nhiều nhất trong vùng. Chính điều này đã giúp ông có cơ may tiếp cận được những giống dừa mới và phương pháp canh tác dừa bài bản, đúng kỹ thuật. Bởi cũng vào dịp ấy, bà Diệp Thị Mỹ Hạnh, một cán bộ của Viện Nghiên cứu Dầu thực vật, đến Hưng Phong để hợp tác với nông dân trồng thử nghiệm một số giống dừa lai. Đối tượng mà bà Hạnh cần tìm là một hộ nông dân có diện tích trồng dừa lớn và vẫn yêu thích, tin tưởng vào nghề này. Khi biết ông Thưởng đáp ứng được những tiêu chí ấy, bà Hạnh đã tìm đến và đề nghị ông trồng thử nghiệm giống dừa lai BB121. Vốn cũng đang cần có những giống dừa mới, ông Thưởng đồng ý liền. Bà Hạnh liền giao cho ông Thưởng 60 trái dừa giống rồi hướng dẫn cho ông cách chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật. Chỉ sau 3 năm, giống dừa này đã cho trái, với năng suất rất cao là 140 trái/cây/năm. Từ đó, Viện Nghiên cứu Dầu thực vật đã hoàn toàn tin tưởng vào khả năng trồng dừa của ông Thưởng. Mỗi khi có một giống dừa mới họ lại đem về Hưng Phong cho ông trồng thử.

Chính từ quá trình trồng những giống dừa lai ấy, ông Thưởng mới "ngộ” ra rằng muốn trồng dừa có hiệu quả, cũng cần phải áp dụng kỹ thuật như với những loại cây trồng khác. Ông đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật học được từ trồng dừa lai vào trồng các giống dừa ta, và đều thu được thành công. Đặc biệt, ông rất chú trọng tới việc bón phân cho cây dừa. Đây là điều mà lâu nay, ít người trồng dừa ở Bến Tre nghĩ đến, vì người ta vẫn cho rằng cây dừa tự hút được dưỡng chất từ trong đất, nếu cần thêm dinh dưỡng cho cây thì chỉ cần lấy bùn đổ lên gốc, chẳng cần phải bón phân làm gì. Riêng ông Thưởng lại nghĩ rằng phải cho dừa "ăn” tốt thì nó mới có sức để luôn cho trái nhiều, trái to. Vì vậy, trong khi năng suất dừa ở Bến Tre, cao lắm chỉ được 50-60 trái/cây/năm, thì những cây dừa trong vườn nhà ông Thưởng, dù là thuộc bất cứ giống dừa nào, cũng đều cho năng suất bình quân 90-100 trái/cây/năm, và chất lượng trái đều rất tốt. Tên tuổi của ông Thưởng nhờ đó mà vượt ra khỏi ranh giới xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre..., rồi ra cả quốc tế. Viện Tài nguyên Giống cây trồng quốc tế cùng Ngân hàng Phát triển châu Á và Mạng lưới phân phối nguồn giống cây dừa quốc tế, đã tìm đến tận vườn dừa của ông Thưởng, xem xét thực tế và đã cấp bằng công nhận ông là nông dân tiêu biểu của phong trào trồng cây xanh nông nghiệp Việt Nam.

Hiện tại, với khoản thu nhập từ cây dừa vào khoảng xấp xỉ 100 triệu đ/năm, cộng với nguồn thu từ những loại cây trồng xen canh trong vườn dừa như cam, chuối, bưởi ..., gia đình ông Thưởng đang sinh sống khá ung dung bằng nghề này. Ông đang có hợp đồng cung cấp thường xuyên trái dừa dứa cho một siêu thị rau quả trên đường Hai Bà Trưng, TP HCM. Trái dừa dứa thu hoạch từ vườn nhà ông, không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng của siêu thị này. Bởi thế, mỗi khi có đông khách đến tham quan vườn dừa, ông chẳng dám mang dừa dứa ra đãi khách, vì sợ bị hụt nguồn hàng cung ứng cho siêu thị. Làm ăn thì phải giữ chữ tín mà.


Tổng số điểm của bài viết là: 0.0

Bài cũ hơn

 Thăm dò ý kiến

Nội dung trang web có giúp bạn ?
Tổng câu trả lời: 12738

  Đăng nhập

  Lịch

«  Tháng mười 2012  »
Cn234567
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031

  Liên kết

  • Cây giống
  •  Thống kê


    Đang Online 1
    Khách 1
    Người sử dụng 0